GÓC NHÌN TÂM LINH VỀ HIẾN-GHÉP MÔ/TẠNG

GÓC NHÌN TÂM LINH VỀ HIẾN-GHÉP MÔ/TẠNG
Trong y học cấy ghép mô-tạng được gọi là phương pháp y học tái sinh. Việc hiến mô-tạng người chết não cho y học hiện nay được nhà nước khuyến khích và đặt trong khuôn khổ pháp luật quy định. Việc tự nguyện đăng ký hiến mô tạng là việc làm nhân đạo và là một nghĩa cử cao đẹp. Đây là một việc làm nhân văn của người hiến tặng và gia đình của họ vì điều đó mang lại sự sống và hạnh phúc cho nhiều người khác mắc các căn bệnh hiểm nghèo. Dưới góc độ tâm linh, ý nghĩa và hệ quả của việc hiến-ghép mô tạng như thế nào? Bài viết sau đây xin phép chia sẻ góc nhìn cá nhân của người viết khi quán chiếu về vấn đề này.
Việc hiến mô-tạng có ảnh hưởng/liên quan đến tâm linh không? Xin thưa là có và tôi cho rằng đây là một vấn đề lớn trong tâm linh. Việc một người tự nguyện hiến mô-tạng xin khẳng định là đỉnh cao của hạnh Bố Thí Ba-la-mật, là một việc làm xứng đáng được tán thán nhất trong các việc làm.
Tuy nhiên người hiến và người nhận cần có thêm sự hiểu biết dưới góc độ tâm linh của việc này.
1-Người hiến mô-tạng và gia đình cần biết.
-Vấn đề 1: Trạng thái cận tử nghiệp. Đây là một trạng thái cận kề sự chết, là hành động hoặc tư tưởng ngay trước khi chết, là tất cả những hoạt động cơ thể, tâm lý của người sắp lâm chung. Con người chúng ta ai cũng muốn sống, không ai muốn chết cả. Vì vậy khi phải chết do các nguyên nhân khách quan đem đến thường chúng ta dễ sinh tâm nuối tiếc sự sống và dễ bám chấp vào thân xác giả-tạm này. Cận tử nghiệp rất quan trọng vì nó trực tiếp quyết định điều kiện, môi trường sinh sống trong cuộc đời kế tiếp của người chết.
Một người có sự tu tập, tỉnh thức phải cực kỳ tinh tấn thì mới có thể bình tĩnh bước vào trạng thái cận tử và an nhiên đối diện với cái chết. Vậy, phải tu tập như thế nào thì có thể vượt qua được cửa ải mà không một ai không phải bước qua này? Xin thưa, chỉ có tự mình trau dồi kinh nghiệm và tự mình trải nghiệm thông qua Thiền Định!
Tôi không có ý đề cao pháp Thiền hơn các pháp khác. Nhưng quả thực diệu dụng của thiền khi chúng ta đạt đến trạng thái Định sâu là không thể nghĩ bàn. Bên cạnh việc Thiền quán giúp chúng ta tăng trưởng trí tuệ, thấu suốt, hiểu rõ các vấn đề trong cuộc sống thì thiền định giúp ta đạt đến những trạng thái như ngừng thở, tim ngừng đập, qua việc xuất/tách linh hồn khỏi thể xác, chúng ta sẽ có những kinh nghiệm vào-ra cõi Trung giới- nơi mà ai chết cũng phải đi qua. Kinh nghiệm này sẽ giúp ích rất nhiều để chúng ta không bị bỡ ngỡ hay bị lôi kéo vào các cảnh giới xấu-ác nơi Trung giới.
“…Con người chết với một trong ba tâm trạng: thiện, ác và trung tính. Trong trường hợp đầu thì người chết chú tâm đến một đối tượng thiện tính như Tam bảo hoặc vị Chân sư và vì thế tự tạo cho mình một tâm trạng đầy niềm tin sâu thẳm, hoặc người ấy phát lòng từ, bi, hỉ, xả vô lượng (Tứ vô lượng), hoặc tư duy về tính Không. Người này chỉ có thể thực hiện những đức hạnh nêu trên khi họ đã từng trau dồi chúng trong lúc còn sống.” – Đạt Lại Lạt Ma thứ 14
Bên cạnh đó, vai trò của người thân-gia đình ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái cận tử của người sắp chết. “Thân quyến làm xao động tâm trạng của người sắp chết và vô tình làm cho người ấy khởi tâm sân hận. Có khi thân quyến hội họp xung quanh, khóc lóc than thở làm cho người ấy quyến luyến, tham ái. Nếu người ấy chết với một trong hai tâm trạng trên – và hơn nữa, một tâm trạng mà người ấy rất thường phát triển trong cuộc sống trước đây – thì đó là một mối nguy lớn. Trong mọi trường hợp thì tâm trạng trước khi chết rất quan trọng. Ngay cả một người đã có chút ít tiến triển trên con đường tu tập cũng có thể không tự chủ, để tâm tán loạn trước khi chết, trực tiếp tạo điều kiện cho sân và ái hiện hành”- Đạt Lại Lạt Ma thứ 14
Vậy nên, khi một người quyết định hiến mô-tạng của mình cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng vì đây là một đại nguyện lớn. Đồng thời người thân và gia đình hãy tôn trọng và cần phải có sự chuẩn bị về tinh thần để hoàn thành tâm nguyện cũng như đạt lợi ích nhất cho người ra đi.
-Vấn đề 2: Cộng nghiệp của người hiến hiến cho người nhận và cộng nghiệp của người nhận nhận từ người hiến. Đây là điều khoa học không thể chứng minh được nhưng quán chiếu ta dễ dàng thấy đây là một sự thật. Khi hiến mô-tạng, phần thân thể của người hiến sẽ tiếp tục sống trong cơ thể của người nhận, nghiệp thiện cũng như nghiệp ác của người hiến sẽ tác động/ảnh hưởng đến người nhận. Và ngược lại nghiệp thiện/ác của người nhận đang sống sẽ ảnh hưởng đến linh hồn của người hiến kia. Sẽ xảy ra những trường hợp như sau:
+Người hiến ít nghiệp thiện/nhiều nghiệp ác gặp người nhận có tu tập, biết chuyển hóa => Linh hồn của người hiến sẽ được hỗ trợ tiến hóa, nhưng người nhận phải tinh tấn gấp đôi để chuyển hóa nghiệp ác cho cả hai.
+Người hiến nhiều nghiệp thiện/ít nghiệp ác gặp người nhận có tu tập, biết chuyển hóa => Đây là sự may mắn cho cả hai vì người nhận sẽ có động lực tuyệt vời để cả hai cùng tiến hóa.
+Người hiến gặp người nhận không tu tập, không có ý định chuyển hóa => Đây là điều không may cho người hiến. Nếu người hiến mà còn nhiều nghiệp ác nữa thì đây là bất hạnh cho xã hội.
Các trường hợp chia ra một cách tương đối như vậy. Tuy nhiên trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh xảy ra vì duyên-nghiệp mỗi người chồng chéo đan xen rất phức tạp. Khi đã hiểu rành rọt những vẫn đề nêu trên, tôi nghĩ điều không may kia khó có thể làm xuy chuyển được tâm nguyện lớn lao của những người có ý nguyện hiến mô-tạng. Quyết định cuối cùng vẫn là ở chúng ta.
Thêm một điều nữa với quan điểm cá nhân của mình tôi nghĩ hỏa táng sẽ giúp người chết dễ dàng siêu thăng hơn. Và việc có để lại xá-lợi sau khi hỏa táng hay không là do công phu tu tập của người đó chứ không phải do thể xác còn nguyên vẹn hay không. Tuy nhiên, đây là một điều rất rất hiếm có.
2-Người nhận mô-tạng và gia đình cần biết.
Người cần phải nhận mô-tạng tức là những người đang mắc những căn bệnh rất hiểm nghèo. Liên quan đến sự sống và cái chết, thông thường tâm lý của gia đình và người bệnh thường sợ hãi, bất an. Nên bằng bất cứ giá nào gia đình và người thân sẽ tìm mọi cách để cứu chữa, đó là điều bình thường.
Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến đối tượng người nhận tạng là Thận. Vì tôi là một người bệnh TNT và bởi bì đặc thù của bệnh Thận là bệnh nhân vẫn còn có các phương pháp điều trị thay thế để kéo dài sự sống đó là chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng).
Liên quan trực tiếp đến vấn đề thải ghép tạng. Dưới góc nhìn và quan điểm của y học, thải ghép tạng là do mảnh ghép được nhận ra là mô lạ. Quá trình này biểu hiện ở chỗ mô ghép và ở hoạt động của hệ thống miễn dịch gây hoại tử và phá hủy mô ghép. Việc thải ghép này chia ra nhiều cấp độ:
+Thải ghép tối cấp: xảy ra sau vài phút hay vài giờ sau ghép.
+Thải ghép cấp tính nhanh: xảy ra sau 1-4 ngày.
+Thải ghép cấp: xảy ra sau 5 ngày-1 tháng đầu.
+Thải ghép mạn tính: xảy ra sau vài năm sau ghép.
Tuy nhiên, dưới góc độ tâm linh chúng ta cần hiểu hiện tượng thải ghép này như thế nào? Và cách ứng xử của người nhận ra sao để sự sống được trao lại này thật sự có ý nghĩa?
Loại trừ các nguyên nhân về chuyên môn y khoa xảy ra trong quá trình diễn ra ca ghép và tình trạng/chất lượng của mô-tạng thay thế, lúc này vai trò của người nhận sẽ quyết định chủ yếu đến sự thải ghép mô-tạng. Việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ là đương nhiên nhưng thái độ trân trọng và giữ gìn của người nhận mới là quyết định.
Trân trọng và giữ gìn như thế nào cho đúng? Quán chiếu vấn đề này, chúng ta cần hiểu rằng để chúng ta có cơ hội được sống thì một người đã chết. Sự đau khổ từ gia đình người thân và cả cộng nghiệp thiện/ác của người hiến đều được gửi vào từng tế bào của mô-tạng này. Nếu chúng ta không thực sự chuyển hóa nhân tâm, tu hành chân chánh thì cộng nghiệp này sớm muộn sẽ khiến chúng ta gặp các vấn đề mà thôi.
Chúng ta không thể biết được mô-tạng thay thế cho mình là từ người cho có nghiệp thiện/ác như thế nào. Cho nên cách duy nhất để chuyển hóa cộng nghiệp cho mình và cho người chính là tu hành. “Có thể Thượng Đế tạo ra sa mạc chỉ để con người biết quý trọng cây chà là”-Nhà Giả Kim. Còn đối với tôi việc được ghép tạng của người hiến tặng là để tôi biết quý trọng sự sống và biết ơn Thượng Đế. Biết ơn để phụng sự cuộc đời!
3-Người điều phối và thực hiện ghép tạng.
Đây là một vấn đề tôi không dám lạm bàn nhiều. Những người đang làm công việc này chính là chiếc cầu nối đem lại sự sống từ cái chết. Không khác gì cha sinh mẹ đẻ của người bệnh. Hy vọng tất cả hiểu thấu được ý nghĩa công việc mình đang làm và tôi tin rằng họ sẽ thực hiện bằng sự tận tâm của người gieo mầm sự sống.
4-Những người Chữa Lành Linh Hồn.
Các bạn đang đi trên con đường phụng sự. Dù các bạn có được ban cho quyền năng đi lại giữa hai thế giới hay không thì với trí tuệ và tình yêu chân thành của các bạn cũng sẽ an lòng, sưởi ấm, hỗ trợ và dẫn dắt linh hồn của người đã khuất tiến hóa. Đây là một phúc lành mà bất kỳ ai cũng nên làm…
P/S: Hiến mô-tạng là một quyết định khó khăn vì mô-tạng đó sẽ tồn tại cùng với sự sống của người nhận. Tuy nhiên đối với hiến máu về mặt y-sinh học, tế bào hồng cầu sau khoảng 120 ngày sẽ được thay thế hoàn toàn mới. Nên tôi nghĩ chúng ta có thể dễ dàng đưa ra quyết định. Miễn là chúng ta có đủ sức khỏe và điều kiện để hiến máu.
———————–
Chakra Master Trần Khương – Người Thắp Sáng Tâm Hồn
Chakra Master Teacher, RMA Professional Member Đào tạo Thiền Luân Xa Chữa Lành Practitioner, Chakra Master.
Định hướng và phát triển sự nghiệp trị liệu tổn thương tâm lý.
Nhà Sáng Lập Trung Tâm Quốc tế VTana Peace và Đào Tạo Healer Master Coach.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *